Kể từ hôm nay 1-7, khi chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị, TPHCM sẽ không tổ chức HĐND quận, phường. Nhiều nội dung công tác cũng có sự thay đổi nhằm thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo quy định tại Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1-7.
Thời gian qua, TPHCM đã từng bước chuẩn bị kỹ càng và bắt tay triển khai ngay mô hình này khi các quy định kể trên có hiệu lực.
Không tổ chức HĐND quận, phường, tiết kiệm 1.200 tỷ đồng
Thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận và 249 phường. Chính quyền địa phương ở phường, quận chỉ còn UBND. Các Văn phòng HĐND –UBND quận, phường đổi tên thành Văn phòng UBND kể từ hôm nay 1-7.
Các nhân sự dôi dư khi không còn tổ chức HĐND quận, phường đều đã được bố trí công tác khác phù hợp chuyên môn và nguyện vọng. Theo đúng kế hoạch, việc này đã được hoàn thành trước ngày 1-7.
Thực tế, việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã được TPHCM thí điểm thực hiện trong 7 năm (2009-2016), là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước.
Cán bộ làm việc tại TP Thủ Đức (TPHCM) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân (ảnh chụp tại thời điểm TPHCM không có dịch Covid-19).
TPHCM đánh giá, việc không thực hiện HĐND quận, phường mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.
Chủ tịch UBND TPHCM bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND 16 quận
Một trong số những nội dung chính và mới rất quan trọng liên quan đến mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, là thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với TPHCM.
Công chức của UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, TP thuộc TPHCM, do quận, TP quản lý, sử dụng. Các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận, phường theo mô hình này không còn là cán bộ do HĐND bầu nữa mà được chuyển sang công chức.
Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác… do Chủ tịch UBND TPHCM quyết định, thay vì HĐND quận bầu và Chủ tịch UBND TPHCM phê chuẩn kết quả bầu như trước đây.
Thực hiện quy định này, ngày 30-6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo UBND 16 quận trên địa bàn TPHCM, gồm 14 Chủ tịch UBND quận và 47 Phó Chủ tịch UBND quận. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-7.
Chủ tịch UBND quận, phường phải đối thoại định kỳ với dân
Theo Nghị quyết 131 và Nghị định 33/2021 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 131, để giảm tải và giải quyết nhanh công việc của dân, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ…
Để bảo đảm dân chủ và công khai minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường, các kết luận, quyết định của UBND quận, phường đều được đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của quận, phường.
Chủ tịch UBND quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư và tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HĐND, UBND cấp trên. Việc này thể hiện tính công khai minh bạch và trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo SGGP
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com