Trong tập 52 chương trình Kính đa chiều, “nữ hoàng trợ diễn” Hồng Trang vừa có những chia sẻ về sự khác biệt giữa thể loại kịch cà phê so với kịch sân khấu cũng như những khó khăn mà cô đối mặt để gìn giữ và phát triển loại hình này.
Nhóm kịch Đời của nghệ sĩ Hồng Trang là một trong những nhóm kịch nổi bật ở TP.HCM với mô hình kịch cà phê. Song để nhóm kịch duy trì hoạt động trong suốt 14 năm qua đều nhờ sự nỗ lực không ngừng của bầu show Hồng Trang.
Mở đầu chương trình Kính đa chiều, nghệ sĩ Hồng Trang đính chính bản thân không phải là người tiên phong mở ra mô hình kịch cà phê. Nữ diễn viên khiêm tốn nhận mình chỉ là người tiếp nối, giữ gìn và phát triển thể loại này. “Trước đó có các thầy, các anh chị thành lập nhóm. Sau đó, tôi mới tiếp tục làm và thành lập nhóm kịch Đời vào ngày 20/6/2010. Vì lúc đó nhu cầu khán giả xem kịch cà phê rất nhiều và để tạo điều kiện biểu diễn cho các bạn trẻ mới ra trường hay còn ngồi trên ghế giảng đường nên tôi tập hợp các bạn và thành lập nhóm”, bầu show Hồng Trang chia sẻ.
Tiết lộ về lý do khán giả yêu thích thể loại kịch cà phê, diễn viên Hồng Trang giải thích vì người xem không chỉ đơn thuần uống nước và nghe nhạc, mà có thể trực tiếp xem các nhân vật trong vở diễn ở khoảng cách gần đến mức đi ngang cũng làm đổ vỡ ly. Chính vì gần nhau đến thế mà khán giả có thể hòa mình vào tâm trạng của diễn viên trong vở kịch. Tuy kịch cà phê không hoành tráng về trang thiết bị, hệ thống âm thanh hay cảnh trí nhưng người xem có thể cảm nhận sự mộc mạc và tâm huyết từ các vở diễn.
Dẫu kịch cà phê diễn ra trong một không gian rất nhỏ nhưng đòi hỏi diễn viên có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Vốn dĩ kịch cà phê không đủ điều kiện để chuyển cảnh, vì vậy các diễn viên phải làm sao cho khán giả hiểu được nội dung khi chuyển từ cảnh này đến cảnh khác. Nghệ sĩ Hồng Trang cho biết: “Các bạn diễn viên kịch cà phê phải có năng lực, phải tự tin rất nhiều so với sân khấu lớn. Vì sân khấu lớn cách xa khán giả mấy mét nên người xem sẽ không thấy những thiếu sót, những lúc diễn viên thoát vai. Còn ở kịch cà phê, dù cho các diễn viên có tay nghề nhưng khi diễn cũng phải 'rén' liền”.
Không chỉ diễn viên kịch cà phê cảm thấy hồi hộp mà ngay cả khán giả cũng tương tự. Thay vì khán giả xem kịch sân khấu với khoảng cách nhất định thì khán giả xem kịch cà phê ngồi rất gần với diễn viên. Khi diễn viên quay qua nhìn cũng khiến khán giả cảm thấy “sợ”. Vì vậy, thể loại kịch cà phê bên cạnh việc đòi hỏi bản lĩnh diễn xuất của diễn viên còn đòi hỏi tâm lý vững vàng của khán giả.
Ngoài ra, khán giả kịch cà phê cũng cần có chiều sâu để hiểu các diễn biến của vở kịch vì không có sự hỗ trợ của phông màn bối cảnh. “Khán giả phải chấp nhận tưởng tượng, hòa mình vào đường dây kịch bản của vở diễn mới có thể hiểu và cảm nhận rõ những gì đang diễn ra. Cho nên kịch cà phê tuy là mô hình diễn đơn giản nhưng chất lượng thì không giản đơn”, nghệ sĩ Hồng Trang bày tỏ.
Thậm chí, thời lượng một vở kịch cà phê cũng tương đương một vở chính kịch trên sân khấu khi biểu diễn trên dưới 2 tiếng cho đến 3 tiếng rưỡi. Ngoài nhóm kịch Đời, nhiều nhóm kịch khác cũng nhận được sự yêu thích của khán giả như: nhóm kịch Tía Lia, nhóm kịch Chuồn Chuồn Giấy... Nhiều sân khấu lớn còn dàn dựng lại cả những vở diễn từ các nhóm kịch cà phê. Điều này càng chứng minh chất lượng của kịch cà phê không hề thua kém bất cứ thể loại nào.
Bật mí về thù lao của các diễn viên kịch cà phê, bầu show Hồng Trang tiết lộ: “Thấp nhất mà tôi trả cho các bạn là 30.000 đồng mỗi người, đồng loạt từ diễn viên chính đến diễn viên phụ hay âm thanh, ánh sáng. Tôi hợp tác với quán dao động mỗi gói khoảng 1,2 triệu, 1,5 triệu hoặc 2 đến 3 triệu thì tôi sẽ chia theo nhóm diễn viên của đêm diễn đó. Khoảng 2/3 thời gian sau này, tôi tự làm thì chia theo số tiền khách đi. Tôi gửi cho các bạn 100.000 - 150.000 đồng. Những năm gần đây, tôi gửi mỗi bạn diễn viên hoặc âm thanh, ánh sáng 200.000 đồng và tùy theo thu chi mỗi lúc mà tôi cân chỉnh phù hợp”. Có thể thấy, với mức lương ít ỏi như vậy, các diễn viên kịch cà phê phải thật sự rất yêu nghề để có thể theo đuổi đến hiện tại và cống hiến nhiều tác phẩm nghệ thuật chất lượng đến với khán giả.
Đáng chú ý, các diễn viên kịch cà phê không chỉ diễn xuất mà còn làm các công việc hậu kỳ khác. Điển hình là nhóm trưởng Hồng Trang phải đảm nhiệm nhiều đầu việc. Nữ diễn viên vừa phải lên ý tưởng thiết kế hình ảnh poster, nhận khán giả, mời khách, chuẩn bị kịch bản, liên hệ quán, tập kịch, làm đạo cụ…
“Tôi làm tất tần tật. Ngay cả đồ diễn nếu các bạn không có thì tôi mang lên cho các bạn. Tôi cũng nhờ các bạn hỗ trợ khi các bạn có thời gian đến sớm thì phụ kê bàn ghế rồi makeup, ủi đồ. Những gì mà đến sân khấu lớn có người phục vụ thì với cà phê kịch, mình phải tự làm hết. Diễn xong thì cũng tự mình dọn dẹp, trả lại không gian cho quán. Cho nên diễn kịch cà phê thì tôi mệt gấp mấy lần so với diễn kịch sân khấu. Và các bạn diễn viên cũng cùng nhau hỗ trợ mà dọn dẹp”, bầu show Hồng Trang chia sẻ.
Cuối chương trình, host Minh Đức chúc diễn viên Hồng Trang vẫn giữ được sự nhiệt huyết và yêu nghề để tiếp tục gắn bó với loại hình kịch cà phê cũng như mang đến nhiều sự lựa chọn giải trí cho khán giả.
Kính đa chiều – chủ đề tiếp theo Dễ dàng trong danh hiệu nhà thơ với sự tham gia của host Lê Hoàng và nhà thơ Phong Việt sẽ được phát sóng vào lúc 20h00 ngày 29/3 trên kênh VTV9.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com