Ngày xửa ngày xưa là một thương hiệu ăn khách của sân khấu kịch Idecaf, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ khán giả TP.HCM hơn 20 năm nay. Mỗi khi thông báo phát hành, các vở diễn đều tạo nên cơn "sốt vé" trên nền tảng mạng xã hội. Mọi suất diễn đều kín rạp, thậm chí nhiều khán giả chia sẻ mặc dù đã lên kế hoạch săn vé từ trước nhưng cũng đành ngậm ngùi vì không mua được.
Lý giải sự thành công của Ngày xửa ngày xưa, đạo diễn - nghệ sĩ Đình Toàn cho rằng điều quan trọng đó là đội ngũ sản xuất biết khán giả cần gì, đặc biệt là đối tượng khán giả nhí. Ngoài ra còn phải hướng đến những bậc phụ huynh đưa trẻ em đi xem kịch, để người lớn không phải chỉ ngồi nhìn điện thoại.
Hiện tại, Đình Toàn là giám đốc nghệ thuật sân khấu kịch Idecaf.
Nghệ sĩ Đình Toàn tâm sự: "Tôi nghĩ bất cứ người lớn nào cũng từng là một trẻ em và may mắn 'Ngày xửa ngày xưa' là hành trình đến hiện tại đã trải qua 24 năm từ khi bắt đầu vào năm 2000. Đến nay, chương trình có đến 35 số và tôi có một thế hệ được nuôi dưỡng bằng 'Ngày xửa ngày xưa'". Nam nghệ sĩ cho rằng Ngày xửa ngày xưa duy trì sự hấp dẫn đối tượng khán giả lớn tuổi không chỉ bởi những kỷ niệm tươi đẹp mà còn có cả sự đổi mới và sáng tạo không ngừng.
"Dần dần theo năm tháng, kho tàng cổ tích ít đi vì được chúng tôi khai thác hết. Vì vậy chúng tôi phải viết những kịch bản mới, hấp dẫn hơn, dày hơn và nhiều tình tiết hơn", nghệ sĩ bộc bạch.
Đình Toàn tiết lộ bản thân từng nghe nhận xét của mọi người rằng có vở kịch không được hay nhưng về phần bối cảnh, phục trang lại rất chỉn chu và cảm thấy hài lòng với chi phí đã bỏ ra để mua vé. "Chúng tôi luôn mong muốn mỗi năm cân đo đong đếm trong từng chiếc vé được bán ra, để cả gia đình đều có thể đi xem và xứng đáng với tiền vé", nam diễn viên chia sẻ.
Nếu như vở kịch Tấm Cám ở những số đầu tiên kéo dài khoảng 1 tiếng 15 phút, trong đó phần đầu dành cho ca múa nhạc thì hiện tại Ngày xửa ngày xưa không còn làm như vậy. Để tạo sức hấp dẫn, chương trình tăng sự đầu tư để phục vụ khán giả đến xem. Nghệ sĩ Đình Toàn lấy ví dụ ngày trước bối cảnh có thể đơn giản là tấm màn vải được vẽ trang trí thì hiện tại ngay cả cái cây cũng phải được dàn dựng 3D, có lá, có trái thật, thậm chí có thể nở hoa, tỏa sáng hay có đom đóm trên cây.
"Tất cả những yếu tố kỹ thuật đều được vận dụng để chinh phục khán giả nhiều hơn. Tôi nghĩ nhu cầu thưởng thức kịch nói mỗi ngày cao hơn. Bây giờ thế giới mở nên khán giả có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ. Do đó họ cũng mong muốn xem những điều mới, hấp dẫn. Quan niệm chuyện thiếu nhi đơn giản chỉ cần múa hát và có màu sắc đã qua rồi", anh nói.
Đình Toàn (vai Sinbad) và NSƯT Mỹ Duyên (công chúa Mây) trong vở diễn mới nhất - "Huyền thoại mắt thần".
Quả thật vậy, trong những số mới, Ngày xửa ngày xưa không chỉ phát triển về bối cảnh, kỹ thuật mà còn lồng ghép cả những trào lưu, xu hướng của thời đại. Nghệ sĩ Đình Toàn chia sẻ: "Bản thân tôi và những người sáng tác tác phẩm, về phía đạo diễn hay tác giả phải viết những vấn đề của xã hội hôm nay có những câu chuyện của khán giả trong đó".
Nam nghệ sĩ lấy ví dụ khi diễn vở kịch cổ tích nhưng thi thoảng có chi tiết xuất hiện điện thoại hay một yếu tố thức thời để phù hợp với câu chuyện của khán giả và thu hút người xem theo mạch câu chuyện.
Trước một số thắc mắc về việc nhiều nghệ sĩ quen thuộc như Thành Lộc, Hữu Châu... đã rời khỏi Idecaf, Đình Toàn thẳng thắn trả lời: "Đúng là anh Thành Lộc, Hữu Châu cùng một số anh chị nghệ sĩ khác đã từng là trụ cột của 'Ngày xửa ngày xưa'. Nhiều khán giả xem các anh chị diễn như một thói quen, mà đã là thói quen thì khó bỏ. Nhưng chúng tôi cố gắng đi tiếp, vì sân khấu phải sáng đèn, vì cuộc sống là luôn hướng về tương lai. Chúng tôi nghĩ 'Ngày xửa ngày xưa' có sức hấp dẫn riêng của nó, nào nội dung kịch bản, nào trang phục lộng lẫy, nào cảnh trí đẹp…, mình cố gắng phát huy thế mạnh ấy để chinh phục khán giả. Với những khán giả mới chưa từng xem nghệ sĩ Thành Lộc thì các em sẽ ấn tượng với những điều khác mà sân khấu đem lại. Nói chung, chúng tôi xem đây là thử thách phải vượt qua".
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com