Ngày 8-8, sau loạt video đu trend biến hình đầy mãn nhãn với năm nhân vật chủ chốt đầu tiên được tung ra, phim điện ảnh Cám chính thức lật thẻ bài, hé lộ cả bộ sậu nhân vật sẽ xuất hiện trong dị bản kinh dị từ cổ tích Tấm Cám.
Qua loạt 10 poster nhân vật chính thức của phim điện ảnh Cám, nhà sản xuất dự án kinh dị được đầu tư kinh phí cao nhất từ trước đến nay đồng thời công bố “Ai là ai" trong thế giới Tấm Cám kinh dị.
Poster hình Tấm, Cám và thái tử cúi người nhìn vào giếng gọi cá bống với nhiều biểu cảm đa dạng
10 nhân vật dị bản kinh dị Tấm Cám trông thế nào?
Sau poster đầu tiên về hình ảnh bàn tay ghê rợn thả thức ăn xuống giếng, phim điện ảnh Cám tiếp tục trình làng những hình ảnh mới nhất về phim. Lần này, ý tưởng chủ đạo vẫn xoay quanh chiếc giếng nổi tiếng trong truyện cổ tích được thể hiện từ góc nhìn độc đáo của chính cá bống ở dưới giếng nhìn lên.
Từ góc độ cá bống, mỗi nhân vật có một biểu cảm bí ẩn riêng biệt. Họ là 10 nhân vật chính, gồm: Cám (Lâm Thanh Mỹ), Tấm (Rima Thanh Vy), cha Tấm Cám - Hai Hoàng (Quốc Cường), bà kế (Thúy Diễm), thái tử (Hải Nam), thằng Bờm (Trần Doãn Hoàng), thái giám (Phước Lộc), Thị Xoan (Thiên Tú), ông Cả Hương (Mai Thế Hiệp) và bà Ba Tầm (NSƯT Ngọc Hiệp).
Thúy Diễm vai mẹ kế
Ý tưởng poster xoay quanh hình ảnh chiếc giếng với góc nhìn từ dưới hất lên, theo góc nhìn của cá bống. Trong nguyên tác cổ tích, đây là nơi gắn liền với nhân vật Tấm khi cô chăm chú cá do ông Bụt tặng. Điểm khác biệt so với nguyên tác ở đây là cả 10 nhân vật này đều được thể hiện có hành động cho cá bống ăn, chứ không chỉ riêng Tấm.
Về ý tưởng thiết kế poster nhân vật, đạo diễn chia sẻ: "Khi thực hiện dị bản kinh dị về Tấm Cám, chúng tôi cố gắng giữ lại nhiều tình tiết quen thuộc trong cổ tích và cá bống là một trong đó.
Với loạt poster này, chúng tôi chọn điểm nhìn từ chính con cá bống để tạo sự mới lạ, đồng thời thể hiện ý tưởng rằng nội tâm của con người rất phức tạp, có nhiều thứ không đơn giản như bề ngoài khi được nhìn ở một khía cạnh khác".
Hai Hoàng - cha của Tấm - hứa hẹn sẽ có nhiều đất diễn hơn trong nguyên tác.
Trong dị bản kinh dị mang tên Cám có hai nhân vật "tưởng lạ mà quen" là Hai Hoàng và Bờm. Trong cổ tích, cha của Tấm được giới thiệu là mất sớm nên cô phải ở với dì ghẻ.
Ở dị bản điện ảnh kinh dị, nhân vật này có tên là Hai Hoàng và xuất hiện với trang phục trang trọng, dường như đang chuẩn bị một nghi thức nào đó. Còn thằng Bờm sẽ là một vai lạ trong tác phẩm, hứa hẹn nắm giữ những tình tiết quan trọng của bộ phim.
Nhân vật thằng Bờm là ẩn số trong phim.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn tiết lộ lấy cảm hứng nhân vật này từ bài ca dao về thằng Bờm: "Hai chi tiết gắn liền với Bờm là quạt mo và nắm xôi cũng sẽ xuất hiện trong phim. Để miêu tả Bờm, tôi muốn dùng từ 'thú vị'.
Bờm xuất thân khá đặc biệt, lớn lên từ nhỏ trong kỹ viện, gặp nhiều loại người phức tạp trong xã hội nên ở Bờm có sự trưởng thành, già dặn hơn so với lứa tuổi của mình.
Tâm lý của Bờm khá phức tạp. Mọi người thường biết Bờm trong bài đồng dao dân gian, là nhân vật hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ nhưng Bờm trong Cám có sự mưu mô, tính toán, già dặn, trưởng thành hơn".
Trong khi đó, Thiên Tú (vai Thị Xoan) và Phước Lộc (vai thái giám) là những diễn viên từng làm việc với đạo diễn trước đây.
Trong Cám, Thiên Tú hóa thân thành một người trong gia đình Tấm Cám và cũng là một sáng tạo mới trong bản điện ảnh.
Còn Phước Lộc thủ vai thái giám, người kế cận và thân thiết với thái tử.
Bên cạnh dàn diễn viên trẻ, Cám còn có sự góp mặt của hai diễn viên gạo cội là diễn viên Mai Thế Hiệp và NSƯT Ngọc Hiệp. Nhân vật của Mai Thế Hiệp là ông Cả Hương - một người quyền lực trong gia đình Tấm Cám.
Còn NSƯT Ngọc Hiệp hóa thân thành bà Ba Tầm, một người phụ nữ chịu nhiều bi kịch. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết hai nghệ sĩ này sẽ giữ vai trò đáng kể và tạo thêm những khía cạnh mới cho câu chuyện.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com