Tuy không đứng trên sân khấu với vai trò là nghệ sĩ cải lương nhưng nghệ nhân Trường Lộc sáng tạo nhiều đạo cụ. Anh được NSƯT Trường Sơn dạy chế tác.
Nghệ nhân Trường Lộc kể chuyện được NSƯT Trường Sơn dạy chế tác. Ảnh: Nhà sản xuất.
Nghệ nhân chế tác đạo cụ sân khấu Trường Lộc là người “phù phép” biến nhiều vật dụng đời thường trở thành những đạo cụ hữu dụng trên sân khấu.
Xuất hiện trong chương trình Kính đa chiều, nghệ nhân Trường Lộc chia sẻ về hành trình đến với nghề cũng như câu chuyện phía sau ánh đèn sân khấu, đặc biệt là quá trình chế tác đạo cụ biểu diễn.
Là cháu ruột của nghệ nhân Trường Quang, Trường Lộc từ nhỏ thừa hưởng dòng máu đam mê nghệ thuật từ gia đình.
Hơn 10 tuổi, Trường Lộc học cải lương ở đoàn Đồng Ấu Bạch Long. Tuy nhiên, vì không có chất giọng lẫn ngoại hình nên Trường Lộc được NSƯT Bạch Long khuyên anh chọn một con đường khác liên quan đến nghệ thuật nếu còn yêu bộ môn này.
Khi ấy, nghệ nhân Trường Lộc chuyển sang học làm đạo cụ sân khấu dưới sự hướng dẫn của cậu mình là NSƯT Trường Sơn.
NSƯT Trường Sơn không trực tiếp chỉ dạy cho nghệ nhân Trường Lộc mà bảo anh quan sát, học theo và tự làm ra sản phẩm của mình để cậu nhận xét góp ý.
NSƯT Trường Sơn cho rằng, nếu dạy nghề thì sẽ không bao giờ thành nghề, chỉ có đam mê và bắt tay vào thực hiện cũng như lắng nghe nhận xét mới có thể theo đuổi lâu dài.
Nhờ lòng đam mê và quyết tâm, nghệ nhân Trường Lộc bắt đầu làm một búi tóc giả cho NSƯT Trường Sơn góp ý. Từ đó, nam nghệ nhân dần theo nghề chế tác đạo cụ sân khấu và theo cha giữ đạo cụ cho đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ vào năm 13 tuổi.
Đến năm 18 tuổi, nghệ nhân Trường Lộc chính thức được nhận làm nhân viên trong đoàn cải lương Minh Tơ và nhận được tiền lương như bao người khác.
Nghệ nhân Trường Lộc luôn mài giũa và phát huy tay nghề của mình.
Năm 28 - 29 tuổi, nghệ nhân Trường Lộc làm cặp kiếm đầu tiên cho NSƯT Bạch Long để biểu diễn trong vở Trưng Trắc Trưng Nhị, làm kiếm bằng tay, không có sự hỗ trợ của máy móc.
Dần dần, nam nghệ nhân còn làm đạo cụ này cho nhiều đoàn khác. Sau đó, nghệ nhân Trường Lộc lại bắt tay vào làm mũ mão với chất liệu bằng giấy và hoàn toàn thủ công. Mãi đến sau này mới có thêm nhiều công cụ hỗ trợ và nhiều mẫu mã.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com