Vitamin Hạnh Phúc tuần này gửi đến khán giả những câu chuyện thú vị của đời sống như: Gia đình đa văn hóa, Định kiến giới, Của cho không bằng cách cho, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được đứng tên bất động sản, Giám định chữ viết, Chiếc bình thuộc về ai.
Chương trình có sự tham gia của các diễn viên: Tiết Duy Hòa, Tất Diệu Hằng, Võ Ngọc Tân, Thùy Dương, Phi Nga, Phi Bảo và các chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực như: Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai, Luật sư Dương Ánh Nga.
Định kiến giới
Tất Diệu Hằng đang dọn dẹp nhà cửa thì thấy em trai Võ Ngọc Tân chơi game ở phòng khách khiến cô khó chịu và bảo anh hằng ngày phải phụ chị dọn dẹp nhưng anh trả lời Tất Diệu Hằng phải biết tề gia nội trợ để chuẩn bị lấy chồng. Đúng lúc đó, người cha Tiết Duy Hòa bước vào thì Tất Diệu Hằng liền nhờ ông phân xử. Tuy nhiên Tiết Duy Hòa cho rằng, trong gia đình Tất Diệu Hằng là con gái thì phải chăm lo tất cả việc nhà. Riêng Võ Ngọc Tân là con trai sẽ đi làm những việc lớn chứ không phải làm việc nhà.
Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai cho biết, hiện nay với sự tiến bộ của xã hội thì nam, nữ bình đẳng, có thể tham gia thực hiện các công việc của nhau và quan trọng là nhận thức của mỗi người. Như Võ Ngọc Tân khi thấy Tất Diệu Hằng làm việc vất vả thì anh có thể chia sẻ công việc trong gia đình với cô. Điều đó là xuất phát từ sự yêu quý của mình đối với chị gái có thể giúp cô không cảm thấy bị tủi thân. Khi chúng ta đứng trên nền tảng là sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau thì chúng ta có thể dễ dàng vượt qua được định kiến giới. Bên cạnh đó, chúng ta hãy giáo dục con cái từ nhỏ biết cách chia sẻ công việc cho nhau để trẻ có thể nhận thức được rằng đó chính là việc chung của các thành viên trong gia đình.
Của cho không bằng cách cho
Sau khi mua xe máy mới thì Võ Ngọc Tân cho bạn mình chiếc xe máy cũ kĩ của mình. Người cha Tiết Duy Hòa bảo anh nên đi sửa xe lại cho mới trước khi mang cho người khác. Người chị Tất Diệu Hằng có mặt ở đó cũng đồng tình với ý kiến của người cha Tiết Duy Hòa, rằng “của cho không bằng cách cho”.
Tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai cho biết, việc cho bạn chiếc xe cũ của mình là xuất phát từ tình bạn thân thiết và yêu thương lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu Võ Ngọc Tân chú ý thêm về việc vệ sinh, bảo dưỡng lại chiếc xe cẩn thận trước khi trao tặng bạn mình thì món quà sẽ có giá trị hơn. Việc cho tặng quà cho người khác là cho tặng bằng tình cảm và quan trọng hơn hết là chúng ta hãy suy nghĩ nhiều hơn về cách cho tặng sao cho thật khéo léo.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được đứng tên bất động sản tại Việt Nam?
Thùy Dương hiện đang định cư tại nước ngoài và có dịp về Việt Nam chơi thời gian ngắn. Sau khi về Việt Nam, cô được vợ chồng Phi Bảo và Phi Nga dắt đi xem một căn nhà và khuyên cô nên mua căn nhà này. Tuy nhiên, Thùy Dương lo lắng sang tuần cô phải trở về nước ngoài thì sẽ không kịp làm các thủ tục sang nhượng sau khi mua nhà. Phi Bảo cho rằng Thùy Dương hiện đang có quốc tịch tại nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam, nên không được đứng tên căn nhà này và anh sẽ thay Thùy Dương đứng tên hộ căn nhà và sẽ viết cho cô một tờ giấy tay.
Luật sư Dương Ánh Nga cho biết, trường hợp người Việt Nam định cư tại nước ngoài thì vẫn được nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trường hợp này phải nhận quyền sử dụng đất từ các dự án phát triển nhà ở hoặc từ các dự án của công ty bất động sản. Theo quy định của Luật nhà ở, người Việt Nam định cư tại nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện như được phép nhập cảnh vào Việt Nam, nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở thông qua các hình thức mua, thuê mua, được nhận tặng cho, nhận thừa kế trong các dự án bất động sản thì sẽ thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở. Nếu người Việt Nam định cư ở nước ngoài đủ điều kiện sở hữu nhà ở theo quy định của Luật nhà ở thì sẽ đủ điều kiện để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
Trong tình huống trên, chị Thùy Dương được xem là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì vẫn sẽ được quyền sở hữu nhà và nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở trong các dự án bất động sản.
Giám định chữ viết
Thùy Dương là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, sau khi phát hiện anh chị Phi Bảo và Phi Nga lừa gạt mình 5 năm trước để đứng tên bất động sản tại Việt Nam, thì Thùy Dương vô cùng tức giận, la mắng và yêu cầu vợ chồng Phi Bảo phải trả lại nhà cho cô. Tuy nhiên, vợ chồng Phi Bảo lật lọng cho rằng đây là căn nhà của mình vì mình là người đứng tên căn nhà và bảo Thùy Dương phải đưa ra được bằng chứng. Thùy Dương cung cấp một tờ giấy viết tay của vợ chồng Phi Bảo 5 năm trước khi Thùy Dương nhờ đứng tên mua nhà, nhưng vợ chồng anh cho rằng đây không phải do mình viết. Thùy Dương khẳng định sẽ kiện lên tòa để giám định chữ viết và chữ ký của Phi Bảo và Phi Nga.
Luật sư Dương Ánh Nga cho biết, trong trường hợp Phi Bảo và Phi Nga cho rằng văn bản viết tay giữa các bên không phải là thật thì Thùy Dương hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định trưng cầu giám định đối với phần chữ viết và chữ ký. Trong trường hợp tòa án không chấp nhận thì Thùy Dương có quyền tự liên hệ các cơ quan giám định theo quy định của pháp luật để giám định.
Chiếc bình thuộc về ai
Sau khi bắt buộc phải trả lại quyền sở hữu căn nhà cho Thùy Dương thì Phi Bảo và Phi Nga xin thuê lại căn nhà với mức thuê 10 triệu đồng/ tháng và được Thùy Dương đồng ý. Trong một buổi dọn dẹp sau sân nhà, Phi Bảo phát hiện ra một chiếc bình cho rằng thứ bên trong là vàng. Nghe thấy điều đó, Thùy Dương liền lao vào khẳng định đây là chiếc bình thuộc quyền sở hữu của cô vì nó nằm trong căn nhà của cô. Còn vợ chồng Phi Bảo thì nói chiếc bình thuộc về mình vì vợ chồng anh đã thuê lại căn nhà này.
Luật sư Dương Ánh Nga cho biết, theo quy định bộ Luật Dân sự năm 2015 việc xác nhận chủ sở hữu đối với tài sản bị chôn giấu, vùi lấp thì cá nhân phải cung cấp đầy đủ bằng chứng xác minh tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Trường hợp không chứng minh được quyền sở hữu thì sẽ đối chiếu theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Cho nên Thùy Dương phải đưa ra được bằng chứng chiếc bình thuộc quyền sở hữu của mình.
Trong trường hợp không chứng minh được, chiếc bình sẽ được mang kiểm nghiệm có phải là cổ vật hay là di tích lịch sử. Nếu chiếc bình thuộc cổ vật hoặc di tích lịch sử thì Phi Bảo sẽ được hưởng chi phí bảo quản và tìm kiếm, chiếc bình thuộc sở hữu Nhà nước. Nếu chiếc bình không đủ điều kiện được xem xét là cổ vật thì sẽ xem xét về giá trị của chiếc bình. Giá trị bằng 10 lần hoặc thấp hơn 10 lần mức lương cơ sở, tương đương 23.400.000 đồng, thì Phi Bảo là người được hưởng số tiền đó. Giá trị chiếc bình vượt trên mức lương cơ sở thì Phi Bảo hưởng 50% giá trị chiếc bình và 50% giá trị thuộc về Nhà nước.
Vitamin Hạnh Phúc là một chương trình thường thức gia đình thể hiện bằng các tiểu phẩm hài kịch tình huống. Mỗi tập phát sóng là mỗi chủ đề phong phú, cung cấp những kiến thức bổ ích về sức khỏe, giáo dục gia đình và những vấn đề thường gặp trong xã hội.
Chương trình Vitamin Hạnh Phúc phát sóng vào lúc 19 giờ 40 phút, từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com