Tại "Chị em gỡ rối", luật sư Dương Ánh Nga hướng dẫn phái đẹp đòi quyền lợi chu cấp nuôi con khi chồng không tự nguyện đóng góp.
Các chuyên gia phân tích về chuyện chồng chu cấp nuôi con cho vợ khi ly thân. Ảnh: Nhà sản xuất.
Mở đầu là câu chuyện chị T gọi điện thoại về chương trình bày tỏ nỗi lòng về cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Chị T và chồng quyết định ly thân sau 9 năm chung sống vì không còn hòa hợp. Trong giai đoạn ly thân, người chồng thường xuyên cập nhật hình ảnh thân mật, đi du lịch cùng người tình và con riêng của người đó.
Điều khiến chị T bối rối là khi cặp đôi thỏa thuận trong thời gian ly thân, người chồng sẽ chu cấp mỗi tháng 6 triệu để chị nuôi hai con, thế nhưng trong thời gian dài, chị chưa nhận được hỗ trợ từ chồng.
Luật sư Dương Ánh Nga (thuộc Đoàn Luật sư TPHCM), đặt vấn đề: “Tại sao chị T không ly hôn để phát sinh quyền và nghĩa vụ của người chồng? Vì khi ly thân, người chồng hoặc vợ chưa có trách nhiệm phải cấp dưỡng, mà chỉ có nghĩa vụ chăm sóc con cái, còn những quy ước là vợ chồng tự thỏa thuận với nhau.
Vậy, xét trên góc độ pháp lý, trong trường hợp này người chồng không có nghĩa vụ cấp dưỡng vì không có cơ sở để cưỡng chế thi hành án”.
Để giúp khách mời gỡ rối, luật sư Dương Ánh Nga tập trung giải thích về tiền cấp dưỡng hậu ly thân. Giải đáp thắc mắc của chị T khi không nhận được tiền cấp dưỡng từ chồng, nữ luật sư cho biết: “Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng phụ thuộc vào sự tự nguyện và khả năng tài chính của người chồng. Nếu họ không có tài sản để cưỡng chế, cũng không tự nguyện thì sẽ rất khó.
Khi đó, người vợ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện các biện pháp đảm bảo, cưỡng chế việc thi hành án. Trong đó có hai biện pháp phổ biến nhất tôi hay tư vấn cho thân chủ của mình là phong tỏa tài khoản ngân hàng, cấm xuất cảnh với những người có nhu cầu làm việc và đi nước ngoài thường xuyên. Ít ra các biện pháp đó có thể làm cho họ phải cấp dưỡng cho con để làm việc”.
Theo Tiến sĩ Tô Nhi A (giảng viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM), có không ít trường hợp hoàn thành thủ tục ly hôn, có phán quyết của tòa án và hồ sơ chuyển qua thi hành án, nhưng hiếm hoi người vợ nhận được tiền cấp dưỡng từ chồng. Vì thế tiến sĩ cho rằng, người vợ nên trong trạng thái chủ động, tập trung tâm sức vào vấn đề nuôi dạy con cái và tổ chức lại cuộc sống một cách độc lập.
Tiến sĩ Tô Nhi A nhắn nhủ khán giả, đặc biệt những người làm vợ nên cẩn trọng khi chọn giải pháp ly thân; không khuyến khích lạm dụng cách ly thân khi hôn nhân đang gặp vấn đề.
Giải thích về quan điểm này, chị nói: “Thông thường, người đàn ông không hiểu ly thân là cứu vãn, mà họ hiểu đó là bước đệm của việc ly hôn, thế nên họ chuẩn bị cho một mối quan hệ mới. Ngược lại, người phụ nữ hiểu rằng ly thân là cứu vãn. Vì vậy, khi chọn cách ly thân, các bạn phải định nghĩa quan điểm rõ với nhau, hiểu rằng ly thân để làm gì”.
Thiên Ân
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
lamanpv@gmail.com